Sapa nơi gặp gỡ đất trời, là một trong những điểm du lịch đẹp vào bậc nhất ở miền Bắc nước ta. Ai đã đến Sapa một lần hẳn không thể nào quên được vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên thiên nhiên vô cùng quyến rũ mang hơi thở của cuộc sống bình yên và thơ mộng , và đặc biệt là những món ăn mang hương vị núi rừng đặc trưng nơi đây. Trong bài viết này THUDO TRAVEL xin được gửi tới các bạn những món ăn không thể bỏ lỡ khi tới với Sapa.
Thịt sấy “Khăng-Gai”
Mỗi vùng miền có những đặc sản riêng biệt, và tại Sapa cũng vậy những đặc sản nơi đây luôn đậm chất núi rừng. Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn món đặc sản vô cùng hấp dẫn tại Sapa đó là món thịt sấy Khăng Gai.
Các loại thịt như trâu, bò, lợn… được người Mông thái dọc từng miếng tấm 2 – 3 kg đem xâu lại, treo lên gác bếp làm thức ăn dự trữ. Thịt sấy có thể để được hàng năm, đến khi ăn cạo sạch bồ hóng, tro bụi rồi xào với cà chua và măng. Thịt sấy ăn có mùi thơm và bùi. Riêng thịt trâu, bò sấy khô cho vào tro bếp để nướng sau đó đập sạch tro bếp, mang ra nhắm rượu, thịt sẽ có vị bùi, thơm và giòn.
Thịt lợn gác bếp
Là món ăn phổ biến của đồng bào dân tộc miền núi đặc biệt người dân Sapa vì hầu như nhà nào cũng trữ món ăn này trong mùa đông. Món thịt gác bếp thường được người dân tộc mang ra chợ bán và ngày nay món ăn này dần trở thành món đặc sản đối với du khách khi đi du lịch Sapa.
Hầu như nhà nào trong các bản làng cũng nuôi ít nhất vài con lợn. Heo nuôi ở bản được thả rong, không ăn các loại thức ăn tăng trọng mà chủ yếu ăn rau, củ. Người ta nuôi heo chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong gia đình. Nuôi nhiều mới bán chợ. Người dân sử dụng giống “lợn tên lửa”, đây là một giống lợn nuôi lâu lớn nhưng có chất lượng cao.
Món thịt lợn gác bếp ở Sapa
Người dân chế biến món thịt lợn gác bếp Sapa như sau: Sau khi mổ thịt lóc bỏ xương, lau khô rồi ướp với muối hột và một loại men làm từ lá cây rừng cho thấm. Sau đó xếp thịt vào trong một chum sành ủ từ 2 – 3 ngày, lấy thịt ra để ráo nước, xâu vào que tre rồi treo trên gác bếp. Khói bếp sẽ làm cho miếng thịt đổi thành màu vàng đen. Mỗi lần nấu, chỉ việc lấy thịt xuống, rửa sạch rồi chế biến như thịt heo tươi, kho, rim, nướng, xào đều ngon. Thịt mềm đậm đà, da giòn, mỡ ăn không ngấy, thơm mùi đặc trưng.
Ngày nay tục treo thịt heo trên gác bếp vẫn còn trong nhiều gia đình dân tộc, không chỉ với thịt heo mà cả thịt bò, trâu cũng được bà con dân tộc treo trên gác bếp để dùng quanh năm. Người dân ở vùng cao thường làm món heo gác bếp để dự trữ vào lúc mưa bão, đông giá, không ra chợ được. Chỉ cần đến giàn bếp lấy xuống miếng thịt heo là có được bữa ăn cho cả gia đình. Nhưng với du khách từ miền xuôi, thịt lợn gác bếp là món ẩm thực độc đáo.
Đến Sapa, khách đừng quên hỏi mua heo gác bếp về làm quà cho người ở nhà. Và tất nhiên, khách cũng đừng quên thưởng thức món thịt lợn gác bếp này ngay tại bếp nhà của người Mông.
Món nướng Sapa
Trời về đêm, khi cái lạnh của núi rừng bao trùm khắp không gian, hẳn không gì tuyệt vời hơn là được ngồi bên bếp lửa hồng và nhâm nhi những món đồ nướng nóng hổi.
Ở thị trấn Sapa, đồ nướng được bày bán gần như ở khắp mọi nơi, từ chợ đến trước cổng nhà thờ, thậm chí là cả những con hẻm nhỏ. Chỉ một chiếc bàn con con, dăm ba cái ghế nhựa và một bếp than hồng cũng đã đủ để gọi là “quán nướng”.
Quán hàng tuy đơn sơ, nhưng có thể nói đồ nướng ở Sapa thật vô cùng phong phú. Từ khoai, sắn, ngô, mía, trứng, đậu phụ đến chân gà, cánh gà, thịt lợn bản, cá hồi… đều có thể trở nguyên liệu của các món nướng làm ấm lòng du khách khi đi chợ tình, khám phá Sapa về đêm.
Sau bữa tối, du khách hãy cứ lang thang ngắm cảnh núi rừng và tham gia vào những nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa cho đến khi chân đã có chút mỏi, bụng cũng đã “rỗng” hãy ghé vào các quán nướng bên đường.
Khi vào quán, cũng đừng sốt ruột hãy cứ tranh thủ hơ chân, hơ tay để làm ấm cơ thể và cảm nhận cái hương vị thật nồng đợm của thức ăn quện lẫn với mùi than hồng. Cứ ngồi đó để nghe tiếng than nổ lép bép, nhìn khói cuộn vào sương, rồi chờ những miếng thịt cong mình, chuyển màu trên than đỏ rồi chín dần.
Song chính cái từ từ, cái chầm chậm này đã tạo thêm một nét riêng đặc sắc trong văn hóa ẩm thực đồ nướng ở đây. Hầu như chẳng du khách nào cảm thấy phiền lòng khi phải chờ đợi đến lượt mình được thưởng thức món ăn, dù có bị khói cay xộc vào mũi, dù bàn tay có bị lem nhem vài vết than đen. Thậm chí khi về dưới xuôi, lòng vẫn rất khó quên cái hương vị cũng như cách chế biến món ăn rất đặc biệt của vùng đất này.
Mặc dù, nguyên liêu của nhiều món nướng vẫn là thịt, nhưng nhờ cách chế biến, cộng thêm với việc khéo léo cuốn thêm nấm, hay cải mèo – loại rau đặc sản của địa phương, nên du khách có ăn nhiều một chút cũng chẳng hề cảm thấy ngấy ngán. Đối với người sợ béo, thì có thể thưởng thức thêm những món củ, quả như bí bao tử nướng, đậu phụ nướng, dưa chuột chẻ… Tuy nhiên, khi thưởng thức đồ nướng, bạn cũng đừng quên nhâm nhi cùng vài ngụm rượu Bắc Hà hay San Lùng cay nồng, thơm tê đầu lưỡi nhé. Chắc chắn du khách sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, bay bổng đến lạ.
Thắng cố
Thắng cố là một món ăn của dân tộc Mông. Thắng cố biến âm của tiếng Thoảng cố theo tiếng Mông có nghĩa là “nồi nước”. Ngày xưa, người Mông nấu thắng cố bằng thịt ngựa, cách nấu cũng rất đơn giãn. Thịt được ướp với muối, mỳ chính, thảo quả, địa điềm nướng thơm tán nhỏ. Sau đó đổ thịt vào trong một cái chảo lớn, đảo đều cho miếng thịt săn lại thì đổ nước vào.
Thắng cố – món đặc sản không thể bỏ qua khi đến Sapa
Thắng cố ngay nay, nhất là thắng cố ở trong các nhà hàng mang thương hiệu “dân tộc”, hương vị đã bay đi ít nhiều. Bởi nồi thắng cố ấy đã bị các gia vị tẩm ướp “tung hỏa mù” khiến thực khách bị mụ mị bởi mùi thơm, bởi vị ngọt của bột nêm, mỳ chính. Vì thế, rất nhiều du khách khi đến Sapa vào mùa đông đã cất công lên chơi miền sơn cước vào những dịp chợ phiên Sapa để thưởng thức thắng cố “thật”.
Phiên chợ vùng cao – nơi luôn có những nồi thắng cố sôi bùng bục.
Món thắng cố chế biến trong nhà hàng
Các quán thắng cố vùng cao bây giờ nhiều nơi chế biến rất cẩn thận, sạch sẽ vì đồng bào đã hiểu ý nghĩa của khẩu hiệu “giữ vệ sinh an toàn thực phẩm” và cũng là một bí quyết để thu hút khách. Nồi nước dùng được đầu bếp người Mông “chăm sóc” rất chu đáo. Xương nhừ thì cho thịt vào nồi, thịt vừa chín tới thì cho lòng, dạ dày, tim gan vào tiếp…
Từng bát thắng cố nhỏ điểm những lát hành hoa được múc ra, nhà bếp không quên bên cạnh những đĩa gia vị xinh xắn chế biến cầu kỳ theo đúng hương vị vùng cao. Vị ngon của thắng cố hòa với hương vị đặc biệt của đồ chấm làm cho thực khách cứ hít hà, tấm tắc khen ngon. Với người Mông, Thắng cố không chỉ là món ăn ngon, thể hiện sự khéo léo và sành ăn mà còn là nét đẹp văn hóa của đồng bào.
Thưởng thức món thắng cố trứ danh Sapa
Rượu táo mèo
Cây táo mèo (Sơn tra) mọc hoang rất nhiều trên dãy núi Hoàng Liên Sơn. Quả táo mèo được người dân ngâm ủ thành một loại rượu có màu nâu và vị ngọt thơm đặc trưng. Táo mèo có tác dụng an thần, chữa được nhiều loại bệnh về thần kinh như đau đầu, mất ngủ, chóng mặt…
Bình rượu táo mèo – đặc sản Sapa
Đây là loại rượu dân dã nhưng cũng rất độc đáo. Quả táo mèo được kết từ hương của rừng, ngấm đẫm gió ngàn, hấp thụ khí đất, khí trời và nắng gió vùng cao nên nó có đủ vị chua ngọt và chát đắng. Quả táo mèo được ngâm ủ rất kỹ rồi cất thứ tinh chất ấy để chế ra rượu. Ban đầu, uống rượu táo mèo, ta tưởng như uống một loại nước giải khát có ga, thế nhưng càng uống càng ngất ngây.
Ở Sa Pa, cây táo mèo mọc hoang sơ trên dãy Hoàng Liên Sơn. Táo mèo lớn lên trong mưa gió, tự ra hoa kết trái, như là một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho đồng bào người Mông ở đây. Có tên gọi là táo mèo vì đây là vùng đất của người Mông sinh sống, ngoài ra còn có tên gọi khác như “quả chua chát” hay “quả tình yêu” vì nó vừa có đầy đủ tất cả các vị đó. Bạn hoàn toàn có thể mua cho mình món đặc sản này về làm quà cho người thân.
Nguồn Internet
Comment (0)