Do dịch Covid bùng phát trên thế giới, ngành du lịch, hàng không của các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng rất nặng nề. Chính vì thế mà nhiều hãng hàng không ở 1 số nước đã thay đổi phương thức kinh doanh của mình nhằm cứu vãn doanh thu trong thời kì khủng hoảng này
Đầu tháng 10, hàng trăm hành khách Đài Loan ngồi chật cứng các chuyến bay của Eva Air tại sân bay quốc tế Đào Viên. Những hành khách này không nhắm đến một điểm đến nào; bởi chuyến bay sẽ hạ cánh xuống đúng nơi khởi hành. Đó là một “chuyến bay không đi đến đâu”, đưa hàng trăm người ngắm cảnh đẹp vòng quanh hòn đảo.
Những chuyến bay này diễn ra vào kỳ nghỉ Tết Trung thu, và thậm chí phi công đã nghiêng máy bay để hành khách có thể ngắm nhìn rõ trăng rằm. Phi hành đoàn phục vụ hành khách đặc sản truyền thống là bánh trung thu. Ba giờ sau, máy bay lại hạ cánh tại Đào Viên. Giữa đại dịch, hành trình này được coi như một kỳ nghỉ ngắn.
Những chuyến bay không đi đến đâu là nỗ lực của các hãng hàng không nhằm tăng doanh số bán hàng trong tuyệt vọng. Covid-19 bùng phát ở phần lớn châu Á, các hãng hàng không trong khu vực dừng hoạt động phần lớn đường bay do lệnh đóng cửa biên giới và yêu cầu kiểm dịch tiếp tục làm giảm nhu cầu đi lại của hành khách.
Mánh lới quảng cáo chuyến bay không đi đến đâu đang thu hút thành công những khách hàng bức bối vì đã lâu không thể du lịch. Giới chuyên gia nhận định những chuyến bay mới lạ đáp ứng nhu cầu của hành khách đi máy bay thường xuyên và mang đến cảm giác đi xa.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì môi trường đã lên án các chuyến bay boomerang này là không cần thiết, gây tổn hại đến môi trường. Và sự ra đời của các chuyến bay này càng nhấn mạnh rằng ‘bong bóng du lịch’ – một giải pháp toàn diện hơn cho các hãng hàng không – dù được bàn luận nhiều vẫn chưa thành hiện thực.
Chuyến bay không đi đến đâu
Hồi tháng 8, Eva Air của Đài Loan là hãng đầu tiên đưa ra khái niệm “chuyến bay không đi đến đâu”. Họ điều phối một máy bay trang trí theo chủ đề Hello Kitty chở hành khách dọc theo đường bờ biển của Đài Loan và qua một số đảo của Nhật Bản.
Kể từ đó, các hãng hàng không trong khu vực từ Brunei, Nhật Bản, Hong Kong và Australia cũng bắt đầu tổ chức những chuyến bay ngắm cảnh tương tự. Các hãng nói rằng những chuyến này ngày càng phổ biến.
Eva Airways cho biết hãng bán hết vé cho ba chuyến bay vào dịp Trung thu. Hồi tháng 9, hãng hàng không Qantas của Australia tuyên bố cháy vé cho chuyến bay ngắm cảnh chỉ trong 10 phút.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao hành khách phải chịu đựng những bất tiện khi đi máy bay – từ không gian chật chội, đồ ăn tầm thường, ngồi sát người lạ, và rủi ro mắc Covid-19 – mà không được hãng đền đáp bằng một chuyến bay hạ cánh đến một nơi mới?
Một hành khách bay cùng Eva Air vào Trung thu ở Đài Loan trả lời Straits Times rằng chuyến bay này thay thế cho các chuyến đi nghỉ lễ thông thường của gia đình cô ở nước ngoài. “Chúng tôi vô cùng nhớ những chuyến du lịch nước ngoài. Lần cuối cùng chúng tôi đi bất cứ đâu là khi tôi đưa gia đình đến Hokkaido, Nhật Bản vào tháng 10 năm ngoái”, hành khách này cho hay.
Alan Joyce, giám đốc điều hành của Hãng hàng không Qantas, nói trên New York Times rằng lý do chỉ đơn giản là khách hàng của họ nhớ trải nghiệm bay. Ông Joyce nói: “Rất nhiều hành khách thân thiết của chúng tôi đã quen đi máy bay mỗi tuần và nói với chúng tôi rằng họ nhớ trải nghiệm bay nhiều như các điểm đến”, Joyce nói.
Benjamin Iaquinto, giáo sư nghiên cứu du lịch tại Đại học Hong Kong, đồng tình. Ông lập luận rằng di chuyển bằng máy bay dần trở thành thói quen – ít nhất là với những người đủ khả năng chi trả.
Khi hoạt động di chuyển bằng đường hàng không đã bị hạn chế, thì ngay cả những điều bình thường nhất cũng có thể hấp dẫn hơn. Iaquinto nói: “Khi bạn ở sân bay, dù nó thực sự nhàm chán, nhưng vẫn có điều gì đó thú vị. Có một số cảm giác khiến người ta mong muốn có mặt ở những nơi khá bình thường”.
Sebastien Filep, một giáo sư tại Đại học Bách khoa Hong Kong nghiên cứu về sự giao thoa giữa tâm lý học và du lịch, nói rằng “mong muốn đi xa” bẩm sinh giúp thúc đẩy trải nghiệm du lịch và lệnh hạn chế thời đại dịch có khả năng tăng cường nỗi thôi thúc đó.
Filep đánh giá, với nhiều du khách không phải lúc nào điểm đến cũng là điều quan trọng nhất: “Bạn đi với ai quan trọng hơn là bạn đi đâu”. Ông cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy “du lịch dẫn đến hạnh phúc hơn”, bao gồm giảm mức độ căng thẳng và có thể cải thiện sức khỏe hệ tuần hoàn.
Hiện tượng chuyến bay không đi đến đâu còn quá mới, do đó giới chuyến gia khó để kết luận nó có mang lại những lợi ích như trải nghiệm du lịch bình thường hay không. “Đó là một thử nghiệm”, Filep bày tỏ.
Chuyến bay không rời mặt đất
Ngày 29/9, Singapore Airlines ra mắt trải nghiệm cho khách tham quan máy bay, ăn thức ăn hàng không và gặp gỡ phi công. Trẻ em thậm chí có mặc quần áo và thử làm tiếp viên hàng không.
“Chúng tôi tạo ra những hoạt động độc đáo để tương tác với người hâm mộ và khách hàng của mình trong thời gian này”, Giám đốc điều hành Singapore Airlines Goh Choon Phong cho biết.
Hãng hàng không cho biết đã cân nhắc song chọn duy trì hoạt động của mình dù vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội từ các nhà hoạt động vì môi trường. SG Climate Rally, một tổ chức phấn đấu để Singapore trung hòa carbon vào năm 2050, phản đối các báo cáo rằng Singapore Airlines đang tính toán thực hiện các chuyến bay đến hư không, bởi các chuyến bay “khuyến khích du lịch thải ra nhiều carbon hơn mà không có lý do chính đáng”.
Các nhà hoạt động vì môi trường ở Australia, Anh và nhiều nơi khác cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự về tác động môi trường từ các chuyến bay không phục vụ mục đích du lịch.
Iaquinto nói: “Tôi nghĩ đó là một thảm họa môi trường. Thực sự khó chịu nếu bạn ủng hộ du lịch bền vững vì giao thông vận tải chiếm phần lớn lượng khí thải carbon của ngành du lịch”. Ông đánh giá mức độ phổ biến của các chuyến bay không đi đến đâu không phải là dấu hiệu tích cực cho niềm hy vọng về một kỷ nguyên mới về du lịch bền vững hơn hậu Covid-19.
Bong bóng du lịch
Thành công của các chuyến bay không đi đến đâu khó lòng bù đắp doanh số bán hàng của các hãng hàng không thời đại dịch. Hiện tại, các hãng chỉ mở các chuyến bay với số lượng hạn chế và doanh thu bán vé không đáng kể.
HKExpress của Hong Kong sẽ mở ba chuyến bay vào tháng 11 với giá từ 50 USD. Các chuyến bay dịp Trung thu của Eva Air có giá từ 200 đến 300 USD, trong khi chuyến bay một ngày của Qantas có giá vé dao động từ 566 đến 2.734 USD.
Ngày 6/10, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự kiến các hãng hàng không trên toàn cầu sẽ mất 77 tỷ USD tiền mặt trong nửa cuối năm 2020. Tổ chức này cảnh báo rằng 5 triệu người trong ngành công nghiệp này có nguy cơ mất việc làm.
Singapore Airlines gần đây đã cắt giảm 4.300 nhân công sau khi báo lỗ hơn 1 tỷ USD trong nửa đầu 2020. Trong báo cáo thu nhập hàng quý được công bố vào tháng 8, Qantas công bố lỗ gần 2 tỷ USD và Eva Airways ghi nhận khoản lỗ hơn 20 triệu USD.
Đối với các hãng hàng không châu Á, những chuyến bay quốc tế hoạt động trở lại sẽ mang lại nhiều doanh thu hơn. Chính phủ các nước châu Á đã thảo luận về khái niệm “bong bóng du lịch”, trong đó các quốc gia có ít ca nhiễm nCoV sẽ mở các tuyến du lịch song phương và bỏ yêu cầu kiểm dịch cho du khách, ít nhất là từ tháng 5,. Tuy nhiên, đến nay, mô hình hứa hẹn này vẫn chưa thành hiện thực.
Hiện có không ít dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán “bong bóng du lịch” một lần nữa bốc hơi. Singapore và Hong Kong được cho là đang tiến gần hơn đến hợp tác mở hành lang bay hai chiều, và Thái Lan gần đây thông báo bắt đầu tiếp nhận khách du lịch Trung Quốc vào cuối tháng 10. Hàn Quốc và Nhật Bản thông báo bắt đầu giới thiệu các chương trình du lịch xuyên biên giới, và khách không bị kiểm dịch trong tuần này.
Các chuyến bay không đi đến đâu có thể phổ biến đối với một số du khách hiện nay. Song các hãng hàng không vẫn có thể thay thế bằng các chuyến bay đến nơi nào đó.
Comment (0)