Châu Âu là một điểm đến vô cùng lý tưởng với những người yêu khung cảnh lãng mạn và thơ mộng, với những công trình cổ kính, món ăn ngon. Nơi đây luôn là điểm đến hấp dẫn triệu người mê, là điểm đến tuyệt vời để đi du lịch mà bao người ao ước.
Đến với châu Âu, bạn sẽ có cảm giác như đi lạc vào một thế giới mới hoàn toàn khác biệt với môi trường trong lành sạch sẽ, người dân lịch lãm thân thiện… Tuy nhiên, cũng vì sự khác biệt lớn về văn hóa, xã hội, lịch sử… mà Châu Âu cũng sẽ có những điều mà bạn cần lưu ý để “nhập gia tùy tục” nhé! Thủ Đô Travel sẽ chia sẻ với bạn 1 số kinh nhiệm nhỏ sau đây:
1, Thời điểm nào đi Châu Âu là hợp lý nhất?
Nên đi vào đầu hè tháng 5-7: Mùa đẹp nhất để đi du lịch châu Âu là vào đầu hè, khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7, trước thời gian đó từ đầu năm đến tháng 4, châu Âu trải qua thời kì mùa xuân, cây trái đâm nồi nảy lộc, nhưng phải qua đầu hè, hoa trái mới thi nhau đua nở và đây là thời kì Châu Âu có phong cảnh đẹp và thơ mộng nhất. Hơn nữa khí hậu thời gian này khá mát mẻ, trời nắng trong xanh, tỉ lệ mưa ít, đến tháng 7-8 thì thời tiết sẽ nóng hơn một chút.
Mùa thu thì sao (tháng 9-10-11) ? Vào mùa thu, khung cảnh Châu Âu cũng trở nên lãn mạn vì cây cối thay lá, không khí cũng khá mát mẻ nhưng tỉ lệ ngày mưa cũng khá cao, vì thế nếu bạn đi vào mùa này thì hãy tìm hiểu kỹ thông tin dự báo thời tiết để có được chuyến đi tuyệt nhất. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, vào tháng 9-10, mùa thu lá vàng, trời trong xanh, không khí mát mẻ thoáng đãng, trời mưa cũng ít, thế nên từ tháng 9-10 là đẹp.
Mùa Đông: Vào mùa đông, ngày ngắn, đêm dài, thường xuyên có mưa, tuyết, khung cảnh khá âm u, nhưng nếu bạn muốn ngắm tuyết thì đây cũng là khoảng thời gian hợp lý.
Tóm lại: Kinh nghiệm đi du lịch Châu Âu khuyên bạn từ 5-7, và tháng 9-10 sẽ là khoảng thời gian đẹp nhất để đi du lịch châu Âu.
2, Mua vé máy bay ở đâu?
Hãy gọi ngay cho Thủ Đô Travel chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn đặt vé đi du lịch trời Âu với giá tốt nhất và rất nhiều những dịch vụ, ưu đãi kèm theo: xe đưa đón sân bay, khách sanh, lưu trú…
Gọi ngay 1900 96 96 79 hoặc 0966972389 để được tư vấn và hỗ trợ ngay nhé!
3, Chuẩn bị hành lý trước chuyến đi Châu Âu
- Trang phục: Mùa Đông ở Châu Âu lạnh hơn Việt Nam nhiều, bạn nên chuẩn bị đủ áo ấm, khăn choàng, găng tay, giày mùa đông. Nếu đi vào mùa Hè, bạn vẫn nên mang theo áo choàng mỏng phòng thời tiết thay đổi. Bạn sẽ phải đi bộ khá nhiều, do đó nên mang giày thể thao hoặc dép xăng đan. Thương hiệu ở Châu Âu được bảo vệ rất nghiêm ngặt, do đó bạn đặc biệt lưu ý không sử dụng vali, túi xách, quần áo, giày dép… nhái các Thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuiton, Gucci, Chanel, Lacoste, Ecco, Guess, Valentino, Puma, Adidas, Nike… vì có thể gặp vấn đề lớn tại sân bay hoặc cửa khẩu đường bộ giữa các nước.
- Thuốc: Ngoài các loại thuốc chỉ định của bác sỹ, bạn cần mang thêm thuốc chữa một số bệnh thông thường như cảm cúm, tiêu hóa…
- Quay phim chụp ảnh: Châu Âu nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, nhiều kiến trúc cổ kính và sẽ có nhiều khoảng khắc ấn tượng mà bạn cần ghi lại, hãy chuẩn bị thật cẩn thận các thiết bị quay phim, chụp ảnh để ghi lại chuyến đi của bạn.
- Các loại sạc điện thoại, máy tính bảng, ổ cắm điện: Ổ cắm điện ở Châu Âu thường là 2 chấu tròn. Bạn nên chuẩn bị sẵn phích cắm nối vì các thiết bị sạc điện thoại, máy tính bảng ở Việt Nam dạng chấu dẹp.
- Một số vật dụng khác: Các khách sạn ở Châu Âu thường không có dép đi trong nhà, kem đánh răng, bàn chải, lược chải đầu… do đó bạn nhớ mang theo các đồ dùng cá nhân đầy đủ.
4, Khách sạn tại Châu Âu
Các thành phố ở Châu Âu đẹp và thơ mộng thật đấy, nhưng diện tích thì lại tương đối hạn chế. Chi phí ở các thành phố lớn khá đắt đỏ, người Châu Âu sống cũng rất tối giản, vì vậy các tiện nghi trong khách sạn tại châu Âu sẽ chỉ vừa vặn đủ dùng chứ không đầy đủ mọi thứ như ở các khách sạn ngang tầm tại Việt Nam. Thông thường, trong các khách sạn tại Châu Âu chỉ có khăn tắm và xà bông, không có kem đánh răng, bàn chải đánh răng, gương, lược… vv. Bạn cần chuẩn bị riêng cho mình các vật dụng này.
Do đặc tính một số vùng tại Châu Âu mát lạnh quanh năm nên một số khách sạn tại Châu Âu sẽ không có máy lạnh. Một số khách sạn, mặc dù có máy lạnh, nhưng họ thường dùng một hệ thống điều khiển trung tâm. Vì vậy, bạn sẽ không thể tự điều chỉnh nhiệt độ và bật máy lạnh phà phà như ở Việt Nam. Một số trường hợp còn tắt luôn máy lạnh nếu thời tiết tại thời điểm đó đủ mát mẻ, với lý do là để tiết kiệm năng lượng.
Người Châu Âu có đặc tính rất tôn trọng không gian riêng tư của người khác và sẽ thể hiện ngay thái độ khó chịu khi bị làm phiền. Vì vậy, bạn nên lưu ý khi ở khách sạn tại Châu Âu là không làm ồn sau 21h đêm và không làm ồn tại hành lang giữa các phòng ngủ. Các khách sạn tại đây có thể mời khách ra khỏi khách sạn hoặc từ chối phục vụ nếu khách vi phạm điều này.
Khác biệt về văn hóa dẫn đến khác biệt về cách ăn uống. Hầu hết các khách sạn tại Châu Âu không phục vụ bữa sáng buffet như các khách sạn ở châu Á. Thay vào đó, họ thường phục vụ bữa sáng kiểu Tây bao gồm bánh mỳ, trứng, xúc xích, pate… vv (continental breakfast). Sự khác biệt này có thể sẽ không hợp khẩu vị với nhiều du khách Việt Nam. Tuy nhiên, bạn hãy coi nó như là một trải nghiệm văn hóa ẩm thực địa phương nhé!
Cũng như khách sạn tại nhiều nơi khác trên thế giới, bạn nhớ lưu ý không để lại các tư trang quý giá trong khách sạn. Nếu bị mất đồ trong phòng, khách sạn sẽ không bồi thường. Ngược lại, khi nhận phòng bạn nên kiểm tra kỹ các đồ đạc trong phòng. Nếu phát hiện có đồ bị hư hỏng, bạn nhớ phải báo trưởng đoàn xử lý để tránh việc bị bồi thường khi trả phòng.
Đối với khách hàng đi gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý, nhiều khách sạn tại Châu Âu không phục vụ giường phụ cho người thứ 3 trong phòng. Vì vậy, có thể công ty du lịch sẽ không thể xếp phòng 3 người cho gia đình bạn. Những trường hợp khách sạn phục vụ được giường phụ thì đó thường sẽ là loại giường gấp nhỏ vừa một người nằm, không giống như các khách sạn ở Việt Nam thường phục vụ hẳn 1 giường đơn.
5, Sự khác biệt về văn hóa – xã hội – ăn uống
Như bạn đã biết, người Châu Âu luôn cư xử lịch sự, nhã nhặn và phản cảm với việc bị làm phiền. Vì vậy, trong văn hóa giao tiếp tại Châu Âu cũng có những điều cấm kỵ cần tránh như: chụp hình người khác mà không xin phép, làm ồn nơi công cộng, có những cử chỉ – hành động làm phiền người khác, hút thuốc nơi công cộng, khạc nhổ, vứt tàn thuốc bừa bãi, nhả kẹo cao su bừa bãi tại nơi công cộng… vv
Người châu Âu không dùng món cơm như ở Việt Nam và một số nước châu Á, các món ăn thường gặp của họ là mì hoặc bánh mì. Tại Châu Âu không phục vụ nước đá. Tuy nhiên, nếu bạn có nhu cầu uống nước đá thì chỉ nên lấy 2 viên thôi nhé, vì đây là văn hóa lịch sự theo quan điểm của họ.
Nếu trong chương trình của bạn có các bữa ăn buffet thì hãy lưu ý không lấy dư thừa đồ ăn nhé! Các nhà hàng tại Châu Âu có thể sẽ phạt thực khách một mức phí nếu khách lấy quá nhiều thức ăn và để thừa lại do ăn không hết. Phí phạt có thể là từ 10 EUR – 25 EUR hoặc tùy nội quy.
Bia và rượu tại Châu Âu rất đắt đỏ, vì vậy có nhiều du khách có xu hướng mang theo bia rượu từ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định mang bia/rượu vào nhà hàng thì phải lưu ý hỏi kỹ xem nhà hàng có cho phép mang vào không và có tính phí khi mang vào không nhé! Một số nhà hàng có thể không cho hoặc tính phí rất cao đấy!
Nếu bạn xem nhiều các bộ film Âu Mỹ chắc bạn sẽ thấy rằng người Châu Âu thường dùng bữa rất chậm trong một không gian ăn rất tĩnh lặng, bài trí tinh tế và đẹp mắt. Những nhân vật trong film họ dùng dao, nĩa, cắt thức ăn trên một chiếc đĩa và chậm rãi nhai từng miếng một cách thưởng thức… Cảnh đó không phải chỉ diễn trên film, mà nó chính là văn hóa ăn uống của người Châu Âu đấy ạ! Một bữa ăn tại Châu Âu sẽ kéo dài từ 1 tiếng 30 phút đến 2 tiếng. Nhà hàng họ sẽ phục vụ từng món ăn chứ không phục vụ tất cả các món ăn cùng lúc. Họ chỉ phục vụ món tiếp theo khi tất cả mọi người trong bàn đã ăn xong món hiện tại và ngưng dùng dao nĩa. Khi vẫn còn người đang dùng dao nĩa trong bàn thì nhà hàng sẽ chưa phục vụ món kế tiếp. Nhà hàng chỉ phục vụ cả bàn cùng lúc chứ không phục vụ cho từng cá nhân. Đây là phong tục ăn uống đã tồn tại từ lâu đời của người dân Châu Âu rồi, vì vậy bạn lưu ý để nhập gia tùy tục, tránh ảnh hưởng đến các thành viên khác trong đoàn nhé.
Điều tối kỵ trong các nhà hàng Châu Âu là la lớn, các hành động búng tay, đập bàn khi bạn cần gọi phục vụ được coi là thiếu tôn trọng. Vì vậy, nếu bạn cần gọi phục vụ thì hãy giơ tay nhẹ nhàng, phục vụ nhà hàng sẽ nhìn thấy và nhanh chóng tiến lại chỗ bạn ngay. Vì cung cách phục vụ tại đây rất chuyên nghiệp nên bạn không phải lo sẽ bị lờ đi nhé!
Trong những chuyến đi du lịch thì nước là không thể thiếu. Tại Châu Âu, có các máy cung cấp nước miễn phí khắp nơi trong thành phố. Vì vậy, bạn cần trang bị một chai nước nhỏ luôn mang theo bên mình để hứng nước tại các vòi nước này khi cần. Nước đóng chai tại đây có giá rất đắt đỏ, vì vậy hình thức mang theo chai nước là an toàn và tiết kiệm nhất. Chính người dân Châu Âu cũng dùng các vòi cấp nước công cộng thay vì mua nước đóng chai, vì vậy bạn hoàn toàn có thể yên tâm.
Khi đến du lịch Châu Âu, bạn sẽ phải đi bộ rất nhiều vì nhiều tuyến đường khu vực điểm tham quan cấm xe lớn. Chính vì vậy, bạn hãy chuẩn bị cho mình một đôi giày thể thao phù hợp với chất lượng tốt để đi bộ.
Mặc dù Châu Âu là một nơi tuyệt vời, nhưng cũng không thể tránh khỏi mặt trái của xã hội là nạn trộm cắp ở khắp nơi. Khi đi dạo tại các nơi công cộng bạn hãy giữ cẩn thận hành lý tư trang để đề phòng mất đồ. Bên cạnh đó, những người Châu Âu tử tế vẫn luôn thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ bạn khi cần thiết.
6, Điều cần nhớ kỹ khi mua sắm tại Châu Âu
Thuốc, thuốc lá và rượu là ba thứ vô cùng đắt khi mua ở Châu Âu. Thậm chí, thuốc chữa bệnh cũng cần phải có đơn thuốc của bệnh viện mới mua được. Bạn cần chuẩn bị các loại thuốc cơ bản mang theo bên người khi đi du lịch nhé.
Phí liên lạc và thẻ SIM ở Châu Âu rất đắt đỏ. Hiện nay, bạn có thể mua trước SIM 3G hoặc thuê cục phát wifi tại Việt Nam để mang theo, tránh những phát sinh không ước lượng được.
Bạn cần nhớ là không mua hàng hiệu giả (fake) tại Châu Âu. Bạn có thể mua hàng hiệu đảm bảo tại các cửa hàng lớn hay trung tâm mua sắm lớn. Nếu hải quan phát hiện bạn có mang theo hàng giả xuất hay nhập cảnh vào đất nước họ, bạn có thể sẽ bị phạt một mức phí rất cao.
Có một số dịch vụ ở các nước châu Á được miễn phí nhưng ở Châu Âu bị tính phí như phí xem TV, phí đi vệ sinh… vv Thậm chí, đôi khi bạn mở một mini bar nào đó mà không lấy đồ uống thì cũng bị tính phí. Vì vậy, trước khi định sử dụng dịch vụ nào đó bạn hãy quan sát cẩn thận và hỏi kỹ nhân viên bán hàng.
7, Thông tin liên hệ cần thiết
Đại sứ quán: Hầu hết các nước Châu Âu đều có đại sứ quán và lãnh sự quán Việt Nam. Chúng tôi xin cung cấp một số quốc gia du khách thường xuyên đến tham quan:
- Đức: Địa chỉ: Elsenstrasse 3, 12435 Berlin – Treptow / Điện thoại: (49-30) 5363 0108 / Fax: (49-30) 5363 0200 / Email: vnemb.de@mofa.gov.vn
- Pháp: Địa chỉ: 61 rue de Miromesnil, 75008 Paris / Điện thoại: (33-1) 4414 6400 / Fax: (33-1) 4524 3948 / Email: vnemb.fr@mofa.gov.vn
- Anh: Địa chỉ: 12-14 Victoria, Luân Đôn, W8, 5RD / Điện thoại: (44-20) 7937 1912 / Fax: (44-20) 7565 3853 / Email: vnemb.uk@mofa.gov.vn
- Tây Ban Nha: Địa chỉ: Avenida Alfonso XIII, No.5 – 28016 Madrid / Điện thoại: (34) 91510 2867 / Fax: (34) 91415 7067 / Email: vnemb.es@mofa.gov.vn
- Ý: Địa chỉ: Via Clitunno 34 00198 Roma / Điện thoại: (39-06) 6616 0726 / Fax: (39-06) 6615 7520 / Email: vnemb.it@mofa.gov.vn
- Nga: Địa chỉ: Bolshaya Pirogovskaya,13 Matxcơva / Điện thoại: (7-499) 245 1092 / Fax: (7-499) 246 3121 / Email: vnemb.ru@mofa.gov.vn
- Bỉ: Địa chỉ: Đại lộ General Jacques 11050 Bruxelles / Điện thoại: (32-2) 379 2731 / Fax: (32-2) 374 9376 / Email: vnemb.be@mofa.gov.vn
- Hà Lan: Địa chỉ: Nassauplein 12, 2585 EB, The Hague / Điện thoại: (31-70) 364 8917 / Fax: (31-70) 364 8656 /Email: vnembassy.nl@mofa.gov.vn
- Thụy Sỹ: Địa chỉ: Schlosslistrasse 26-3008 Bern / Điện thoại: (41-31) 388 7878 / Fax: (41-31) 388 7879 / Email: vnemb.ch@mofa.gov.vn
8, Sử dụng điện thoại và Internet
- Cân nhắc về việc roaming điện thoại khi đến Châu Âu vì cước phí sẽ rất đắt đỏ, bạn sẽ phải trả một chi phí viễn thông khổng lồ sau một chuyến du lịch khoảng 2 tuần.
- Bạn nên mua sim 3G tại Châu Âu, lưu ý điện thoại của bạn phải công nghệ GSM (sẽ khó khăn hơn nếu bạn sử dụng điện thoại công nghệ CDMA). Sử dụng sim này để liên lạc về Việt Nam hoặc gọi qua các ứng dụng over-internet (Facetime, Viber…). Nên nhờ HDV địa phương giúp đỡ bạn.
- Cách bấm số từ Châu Âu về Hà Nội: 00-84 – mã tỉnh bỏ số 0 – số cần gọi (ví dụ: 00-84-24-8514978). Nếu gọi tới số di động: 00-84-số cần gọi bỏ số 0 ở trước số 9 (ví dụ: 00-84-913111333).
- Wifi: Ở Châu Âu wifi miễn phí cũng khá phổ biến như Việt Nam: Các khách sạn, nhà hàng, coffee shop đều có wifi. Tại các sân bay cũng có điểm truy cập wifi miễn phí, tuy nhiên khá giới hạn về thời gian sử dụng. Một số điểm công cộng cũng có thể có wifi miễn phí như Quảng trường thánh Peter ở Vatican, các shop quần áo, các store lớn…
Trên đây là những chia sẻ các kinh nghiệm đi du lịch Châu Âu. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật các thông tin hữu ích giúp chuyến đi của quý khách được hoàn hảo hơn.
Comment (0)